Mô hình các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam Giáo_dục_đại_học

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có các tên gọi: trường đại học, trường đại học bách khoa, trường đại học tổng hợp, trường đại học cộng đồng, viện đại học, viện đại học bách khoa, đại học, đại học quốc gia, học viện, nhạc viện, trường cao đẳng, trường cao đẳng cộng đồng, v.v... Trong ngôn ngữ hàng ngày, "trường đại học" và "viện đại học" thường được gọi ngắn gọn hay thân mật là "đại học", mặc dù "đại học" là một loại hình cơ sở riêng biệt; về những nghĩa khác của "đại học", xem Đại học (định hướng).

Trường đại học

Lễ khai giảng, 15 tháng 11 năm 1945, ở Trường Đại học Quốc gia Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Trường đại học (từ tương tự trong tiếng Anh: college; có khi còn được dịch ra tiếng Anh là university) là một loại hình cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam dưới các chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam có tên là trường đại học và theo mô hình phân mảnh ngành học và phân mảnh cơ sở giáo dục của Liên Xô, tức là mỗi trường đại học tập trung vào một chuyên ngành hay một nhóm chuyên ngành riêng; ví dụ: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh,... Trong trường đại học thường có các khoa; trong khoa có các bộ môn.

Trường đại học có khi là một đơn vị thành viên trong một viện đại học, ví dụ Trường Đại học Văn khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn, hay trong một đại học, ví dụ Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Đà Nẵng.

Trường đại học tổng hợp (từ tương tự trong tiếng Anh: college hoặc university) là loại hình cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam dưới hai chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các trường loại này gồm có Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay thuộc Đại học Huế), và Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh (nay thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Các trường đại học tổng hợp này chỉ tập trung vào các ngành nhân vănkhoa học cơ bản.

Trường đại học bách khoa (từ tương tự trong tiếng Anh: polytechnic), có khi còn gọi là trường đại học kỹ thuật, là loại hình cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam dưới hai chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các trường loại này gồm có Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng (nay thuộc Đại học Đà Nẵng), và Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh (nay thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Các trường đại học bách khoa này chỉ tập trung vào các ngành kỹ thuậtcông nghệ.

Trường đại học cộng đồng (từ tương tự trong tiếng Anh: community college) là cơ sở giáo dục đại học sơ cấp và đa ngành được thành lập ở Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Sinh viên học ở đây để chuyển tiếp lên học ở các viện đại học, hoặc mở mang kiến thức, hoặc học nghề để ra làm việc. Các trường đại học cộng đồng được thành lập với sự tham gia đóng góp, xây dựng, và quản trị của địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ở địa phương trong các mặt văn hóa, xã hội, và kinh tế.[8] Khởi điểm của mô hình trường đại học cộng đồng ở Việt Nam là một nghiên cứu của ông Đỗ Bá Khê tiến hành vào năm 1969 mà các kết quả sau đó được đưa vào luận án tiến sĩ trình ở Viện Đại học Nam California năm 1970.[21] Cơ sở đầu tiên được hình thành là Trường Đại học Cộng đồng Tiền Giang, thành lập năm 1971Định Tường, sau khi mô hình giáo dục mới này được mang đi trình bày sâu rộng trong dân chúng.[8]

Viện đại học

Mặt tiền tòa nhà hành chánh Viện Đại học Sài Gòn, cơ sở giáo dục đại học lớn nhất miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng hòa.

Viện đại học (từ tương tự trong tiếng Anh: university) là một loại hình cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa có tên là viện đại học theo mô hình university của Hoa KỳTây Âu, cùng với nó là hệ thống đào tạo theo tín chỉ; ví dụ: Viện Đại học Huế, Viện Đại học Đà Lạt, Viện Đại học Vạn Hạnh. Mỗi viện đại học bao gồm nhiều phân khoa đại học (tiếng Anh: faculty; thường gọi tắt là phân khoa) hoặc trường hay trường đại học (school hay college). Trong mỗi phân khoa hay trường có các ngành; mỗi ngành tương ứng với một ban (tương đương với đơn vị khoa hiện nay).[8] Giáo dục Việt Nam thời Liên bang Đông Dương có một cơ sở giáo dục theo mô hình viện đại học là Viện Đại học Đông Dương (Université Indochinoise);[22] sau 1945 đổi tên thành Viện Đại học Hà Nội (Université de Hà Nội). Ở Việt Nam hiện có một cơ sở giáo dục có tên bắt đầu bằng cụm từ viện đại học là Viện Đại học Mở Hà Nội. Mô hình viện đại học không giống như mô hình trường đại học tổng hợp vì các trường đại học tổng hợp chỉ tập trung vào các ngành nhân văn và khoa học cơ bản.

Viện đại học bách khoa (từ tương tự trong tiếng Anh: polytechnic university) là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành và đa lĩnh vực tương tự như mô hình viện đại học, nhưng chú trọng đến các ngành thực tiễn. Vào năm 1973, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức được thành lập dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, dựa theo mô hình polytechnic university ở California, Hoa Kỳ.[8] Đây là viện đại học bách khoa duy nhất từng tồn tại ở Việt Nam. Trong thời gian đầu, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức có các trường đại học chuyên về nông nghiệp, kỹ thuật, giáo dục kỹ thuật, khoa học tự nhiên và nhân văn, kinh tế và quản trị, và thiết kế đô thị; ngoài ra còn có trường sau đại học. Các cơ sở giáo dục đều gom chung lại trong một khuôn viên rộng lớn, tạo một môi trường gợi hứng cho tri thức suy luận, với một cảnh trí được thiết kế nhằm nâng cao óc sáng tạo; quản lý hành chính tập trung để tăng hiệu năng và giảm chi phí.[8] Mô hình viện đại học bách khoa không giống như mô hình trường đại học bách khoa vì các trường đại học bách khoa chỉ tập trung vào các ngành kỹ thuật và công nghệ.

Đại học

Đại học (từ tương tự trong tiếng Anh: university) chính thức có nghĩa là một cơ sở hay cơ cấu giáo dục đại học vào đầu thập niên 1990, khi chính phủ Việt Nam thành lập các đại học quốc gia và đại học cấp vùng bằng cách gộp một số trường đại học lại với nhau. Hiện Việt Nam có hai đại học quốc gia (Đại học Quốc gia Hà NộiĐại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) và ba đại học cấp vùng (Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, và Đại học Thái Nguyên). Các "đại học" này có mô hình gần giống với "viện đại học";[22] mỗi đại học có vài trường đại học thành viên, và thường áp dụng một phần hay toàn bộ hệ thống học theo tín chỉ.[23][24] Tuy vậy, các trường đại học thành viên này gần như biệt lập với nhau; sinh viên từ một trường thành viên này thường không học để lấy tín chỉ từ một trường thành viên khác. Có thể nói là mô hình "đại học" là một sự kết hợp giữa mô hình phân mảnh ngành học và phân mảnh cơ sở giáo dục của Liên Xô và mô hình viện đại học, và vẫn mang nặng đặc điểm của mô hình phân mảnh của Liên Xô. Vào tháng 10 năm 2009, một số đại biểu của Quốc hội Việt Nam đưa ra đề nghị gọi tên các đại học cấp quốc gia và cấp vùng là viện đại học.[25]

Học viện, Nhạc viện

Thời Việt Nam Cộng hòa, học viện thường là cơ sở giáo dục đại học có tính chất như là trường chuyên nghiệp (professional school), ví dụ: Học viện Quốc gia Hành chánh (nơi đào tạo nhân viên hành chánh cao cấp cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa, bậc đại học và sau đại học), Học viện Quốc gia Nông nghiệp (năm 1974 trở thành một trường thành viên của Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức), v.v...

Ở Việt Nam hiện nay, học viện vừa đào tạo đại học, sau đại học vừa nghiên cứu chuyên sâu trong một lĩnh vực, một ngành trọng điểm quốc gia, như: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Quốc phòng, Học viện Hải quân, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện Nông nghiệp Việt Nam v.v...

Trong khi đó, nhạc viện (từ tương tự trong tiếng Anh: conservatory) hay học viện âm nhạc (music academy) là cơ sở đào tạo và nghiên cứu âm nhạc từ trình độ dưới đại học, đại học, và sau đại học; ví dụ: Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện Âm nhạc Huế.

Trường cao đẳng

Các école (tiếng Pháp, có nghĩa là trường) của Université Indochinoise (Viện Đại học Đông Dương) thường được gọi là "trường cao đẳng"; ví dụ: École des Beaux-Arts de l'Indochine là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có khi là Trường Mỹ thuật Đông Dương. Một số trường thành viên của Trung tâm Quốc gia Kỹ thuật Phú Thọ thời Việt Nam Cộng hòa cũng được gọi là trường cao đẳng; ví dụ: Trường Cao đẳng Công chánh, Trường Cao đẳng Điện học, v.v...

Ở Việt Nam hiện nay, trường cao đẳng là một loại hình cơ sở giáo dục đại học đào tạo trình độ sau trung học nhưng thấp hơn bậc đại học, gọi là bậc cao đẳng. Các trường cao đẳng tuyển những người có bằng trung học phổ thông học tương đương, và có chương trình đào tạo dài khoảng ba năm.[26] Sinh viên học xong cao đẳng có thể tham gia thi tuyển để được chọn vào học "liên thông" lên bậc đại học ở một số trường đại học.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_dục_đại_học http://www.stlhe.ca/awards/3m-national-teaching-fe... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/265464/h... http://books.google.com/books/about/The_Community_... http://books.google.com/books?id=WSKIQgAACAAJ&dq=E... http://books.google.com/books?id=wxidAAAAMAAJ&q=Le... http://ssrn.com/abstract=1941070 http://www.thuvienphatgiao.com/buddhistbook/detail... http://www.topuniversities.com/university-rankings... http://www.hanoi.diplo.de/Vertretung/hanoi/vi/09-k... http://sunsite.berkeley.edu/uchistory/archives_exh...